Lên kế hoạch du lịch Đà Nẵng, chắc hẳn ai cũng muốn khám phá những cây cầu độc đáo là biểu tượng của thành phố hiện đại. Đà Nẵng còn quyến rũ khách du lịch bởi vẻ đẹp bình dị dòng sông Hàn thơ mộng, nét hùng vĩ đảo Sơn Trà xanh mát hay Ngũ Hành Sơn huyền bí. Đến với thành phố biển, có một trải nghiệm mà không phải du khách nào cũng biết đó là dậy sớm lên đỉnh bàn cờ Đà Nẵng để cùng đánh cờ với Tiên Ông.

dinh-ban-co-da-nang

Đỉnh bàn cờ Đà Nẵng ở đâu?

Đỉnh bàn cờ Đà Nẵng cách trung tâm thành phố khoảng 20 km về phía đông bắc. Tọa lạc ở khu vực đỉnh Sơn Trà, Đỉnh Bàn Cờ là một địa điểm check-in lý tưởng để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên Sơn Trà và ngắm nhìn toàn cảnh Đà Nẵng trên cao.

Đường đi đến đỉnh bàn cờ Đà Nẵng: Từ trung tâm thành phố, để đi đến đỉnh bàn cờ Đà Nẵng, bạn có thể đi theo hướng cầu Thuận Phước hoặc đi qua cầu Rồng hay cầu Sông Hàn sau đó men theo đường ven sông Trần Hưng Đạo hay đi Ngô Quyền và thẳng về hướng núi. Còn nếu muốn trải nghiệm đường biển, bạn chỉ cần đi thẳng ra Võ Nguyên Giáp, men theo đường biển đi thằng lên núi.

dinh-ban-co-da-nang

Cách đi từ đường Trường Sa ven biển: Bạn đi theo đường lên chùa Linh Ứng đến đoạn InterContinental Danang Sun Peninsula Resortl, thì đi vào trong rẽ trái là đường đi lên Đỉnh bàn cờ Đà Nẵng(nếu rẽ phải là cây đa ngàn năm huyền bí).

Cách đi từ đường Yết Kiêu đi theo hướng về Cảng Tiên Sa: đi đường này, trước khi đến Cảng Tiên Sa có một đường để rẽ phải lên đỉnh núi Sơn Trà, bạn đi theo chỉ dẫn là có thể đến được đỉnh Bàn Cờ Đà Nẵng.

Phương tiện phổ biến nhất khi đi lên Đỉnh Bàn Cờ là xe máy, tuy đường có hơi uốn khúc và dốc khá nguy hiểm nên các bạn không nên đi xe tay ga và phải cực kỳ cẩn thận. Nếu đã có kinh nghiệm phượt thì các bạn có thể yên tâm khám phá khám phá bán đảo Sơn Trà và Đỉnh bàn cờ huyền thoại. Đây chắc chắn là một trải nghiệm mà bất kỳ phượt thủ nào cũng muốn được trải qua một lần trong đời.

Trải nghiệm gì khi đến Đỉnh Bàn Cờ Đà Nẵng?

Đỉnh Bàn Cờ Đà Nẵng được biết đến như “nóc nhà” của thành phố biển xinh đẹp này, là nơi bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên ở độ cao 700m, thả hồn giữa trời rộng và ngắm trọn Đà Thành biển xanh cùng những cây cầu bắc ngang sông Hàn “ngay dưới chân mình”.

Trên đường đi đến Đỉnh Bàn Cờ ở Sơn Trà, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị bởi cung đường dốc, quanh co được bao phủ bởi núi rừng Sơn Trà. Đường lên lúc thoáng, lúc thì bị che kín bởi bụi cây xanh mát, chỗ thoáng tầm mắt phong cảnh nhìn rất đẹp và say đắm lòng người. Đó là biển, là núi, là gió trời lồng lộng thiên nhiên thơ mộng. Gió biển đưa vào như làm dịu đi cái nóng ngày hè trong không gian như tiên cảnh giữa đời thực.

Khung cảnh nơi đây có lẽ đẹp nhất vào sáng sớm, sương mờ phủ ngang lưng núi, tưng ánh ban mai đỏ hồng dần hiện ra xuyên qua các tán lá đem đến vẻ đẹp tinh khôi nhất. Còn lúc chiều tà ngắm hoàng hôn từ đỉnh bàn cờ cũng ảo diệu không kém phần.

dinh-ban-co-da-nang

Lên đến đỉnh bàn cờ, hãy dành một chút thời gian bình lặng ngắm nhìn Tiên Ông chơi cờ để trút bỏ đi những ưu phiền trong cuộc sống. Đừng quên thả trọn tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng trên cao, từ biển đến núi, đây là vị trí đẹp nhất để có thể quan sát thành phố đấy.

Kinh nghiệm du lịch Đỉnh bàn cờ Đà Nẵng?

Thời điểm thích hợp đi Đỉnh bàn cờ: Sáng sớm tinh mơ là khoảng thời gian đẹp nhất khi tham quan Đỉnh Bàn Cờ. Khi thành phố vẫn còn say trong giấc ngủ bạn sẽ tận hưởng được sự yên tĩnh đến ngạc nhiên của không khí trong lành nơi đây. Bạn được tận mắt thấy những giọt sương còn đọng trên lá, những hơi ẩm tạo thành sương khói cực mờ ảo trong suốt chặng đường lên đỉnh.

Hoặc bạn cũng có thể di chuyển vào lúc 2-3 giờ chiều (trừ hao 1 giờ di chuyển), thời điểm lúc xế chiều để ngắm hoàng hôn từ Đỉnh Bàn Cờ. Một cảnh thơ mộng, lunh linh huyền ảo được thể hiện qua mặt hồ ráng hồng phản chiếu qua bầu trời.

Cần chú gì khi đến Đỉnh bàn cờ Đà Nẵng:

  • Áo quần luôn gọn gàng, thoải mái để đảm bảo việc di chuyển không bị vướng vào cây bên đường.
  • Nếu chạy xe máy thì tóc độ di chuyển chậm, tay lái thật vững. Và nên đi xe số thay vì xe tay ga vì đường dốc và gồ ghề. Nhớ kiểm tra xe máy thật kỹ trước khi đi.
  • Canh thời gian về trước 5 giờ chiều. Vì đường tối sẽ rất nguy hiểm .
  • Xem thời tiết trước khi đi, vì trời mưa đường trơn trượt, sạt lỡ.
  • Luôn mang theo điện thoại bên mình, phòng trường hợp nguy hiểm trên đường đi.

dinh-ban-co-da-nang

Tại sao có tên gọi là Đỉnh Bàn Cờ?

Tên gọi đỉnh bàn cờ được giải thích bởi nhiều truyền thuyết. Trong đó có câu chuyện về một vị tiên ông giáng trần đến Sơn Trà, ngồi nghỉ ngơi thắng cảnh trên một phiến đá rộng. Trong lúc phong cảnh hữu tình hóa phép kẻ ra một bàn cờ trên phiến đá đang ngồi và ngay lập tức biến ra một bộ cờ đầy đủ. Ngồi giải khuây một lúc, Đế Thích du ngoạn đi ngang qua thấy cảnh tiên ông chơi cờ một mình, bèn lại gần xin được chỉ giáo. Hai vị tài sức ngang nhau, ngồi mấy ngày liền ván cờ chưa có hồi kết, bất phân thắng bại. Phong cảnh Sơn Trà từ trên cao như phụ họa thêm cho cảnh đối cờ, cứ ung dung tự tại, bình thản ra nước, rồi lại ngẫm nghĩ nước tiếp.

Qua vài ngày ván cờ vẫn duy trì, hai vị vẫn ngồi đó, bỗng từ trên cung mây lướt gió hạ tràn một vài tiên nữ, các tiên nữ dừng chân xuống một bãi tắm gần đó vui đùa cùng làn nước biển xanh mát. Sau này người dân đặt tên cho bãi tắm đó với một cái tên rất mĩ miều: “Tiên Sa”.

Trong lúc căng thẳng tỉ thí cờ, xuất hiện một vài tiếng vui đùa của các tiên nữ làm cho Đế Thích phân tâm, đi sai một nước, ngay lúc đó tiên ông chớp cơ hội khóa nước kết thúc bàn cờ. Thắng cuộc tiên ông vui vẻ chắp tay từ biệt, gọi mây về trời. Để lại Đế Thích ngồi ngầm nghĩ có tìm ra nước giải cờ, những vẫn không có kết quả. Sau này dựa vào truyền thuyết người dân đã khắc 1 bàn cờ lên phiến đá có sẵn, tạc tượng một cụ lão đang đăm chiêu với nước cơ. Đó chính là Đế Thích.

Nhiều người thắc mắc tại sao Đế Thích là tiên cơ mà lại bị thua, và vị tiên thắng được Đế Thích là ai? Đó chỉ là một trong những truyền thuyết câu truyện giải thích về địa danh “Đỉnh bàn cờ bán đảo Sơn Trà”.

Cũng có tích cho rằng xưa kia nơi đây là một Am nhỏ mang tên Am Bạch Vân do một vị sư thầy Thiền phái Trúc Lâm dựng lên làm nơi tu hành. Sau chỉ còn lại phần móng hình chữ công, có phiến đá rộng, mọi người liên tưởng đến bàn cờ tiên.

Nguồn: tổng hợp, ảnh @bosusu

 

 Bạn muốn cung cấp nội dung và gửi bài cộng tác cho chúng mình?

 Bạn cần hỗ trợ đăng bài miễn phí?

 Liên hệ ngay - Email: cungbandulich.net@gmail.com